NUÔI YẾN VÀ PHÁT TRIỂN NGHỀ NUÔI CHIM YẾN – TẠI SAO KHÔNG?

Nói về đặc sản của địa phương, dân gian Khánh Hòa có câu ca: “Yến sào Hòn Nội/Vịt lội Ninh Hòa…”.

Nhờ có lợi thế phát triển tốt, yến sào Khánh Hòa đang được xây dựng thành thương hiệu quốc gia. Không chỉ tại Khánh Hoà, hiện nay nghề nuôi chim yến trong nhà tại Việt Nam đang phát triển mạnh, tạo việc làm cho nhiều lao động, giúp người dân có thu nhập cao.

 

Yến sào – sản vật có một không hai

Trong tự nhiên có rất nhiều loài chim yến, nhưng loài có tổ quý giá, được mệnh danh là vàng trắng, chính là chim yến Hàng, phân loài Germani, một phân loài đặc hữu phân bố chủ yếu tại các tỉnh ven biển miền trung và phía nam Việt Nam, từ tỉnh Quảng Bình đến Côn Ðảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang).

 

Trong đó, Khánh Hòa là nơi tập trung số lượng quần thể đàn chim yến đảo thiên nhiên lớn nhất và phát triển ổn định nhất nước ta. Theo các nhà nghiên cứu, tổ yến có nhiều thành phần dinh dưỡng quý hiếm và nhiều khoáng chất giúp bổ phổi, tăng cường hệ miễn dịch, đẩy nhanh quá trình tái tạo tế bào, giúp người bệnh nhanh hồi phục sức khỏe.

Nhiều kết quả gần đây cho thấy, việc sử dụng tổ yến với cơ thể nhiễm độc còn làm hạn chế mức độ sút cân, ổn định các chỉ tiêu về huyết học và giúp cơ thể phục hồi một cách nhanh chóng.

Trong yến sào chứa khối lượng dồi dào các nguyên tố đa vi lượng như Ca, Fe, Mn, Br, Cu, Zn, Cr, Se,… đem lại nhiều lợi ích cho cơ thể như : giảm stress, chống lão hóa, giảm huyết áp…

Ngoài ra, yến sào có rất công dụng đối với trẻ em giúp kích thích tiêu hóa, phát triển xương, tăng cường sức đề kháng…

 

Thực trạng nghề nuôi chim yến

 

Tại Indonesia, một quốc gia có lịch sử gần 70 năm nuôi yến, từ năm 1950 đến nay Indonesia đã có hơn 200.000 nhà yến cho sản lượng khoảng trên 2.000 tấn/năm;

Malaysia, với lịch sử phát triển nghề nuôi yến gần 40 năm, từ năm 1986 đến nay có hơn 60.000 nhà yến cho sản lượng trên 200 tấn/năm và Thái Lan với lịch sử 30 năm, từ 1996 đến nay đã có gần 5.000 nhà yến cho sản lượng trên 70 tấn/năm.

Nghề nuôi chim yến ở VN mới được hình thành trong khoảng 12 năm trở lại đây, đến hiện tại, chúng ta đã có khoảng trên 5.000 nhà yến với sản lượng khai thác gần 40 tấn tổ yến/ năm.

Nhiều nhà chuyên môn nhận định… trong 10 năm tới tổ yến đảo tự nhiên vẫn tăng nhưng rất ít và có đảo bị sụt giảm. Tỷ lệ tăng chỉ ở mức 5 – 8%/năm, do các vùng ven biển từ Thanh Hóa tới Bình Thuận đang nhộn nhịp hình thành các khu nghỉ dưỡng, resort, khách sạn cao cấp , các vùng ven biển trước đây sản sinh côn trùng cho chim yến nay bị đẩy lùi ra xa, nhiều đàn chim tơ yến từ đảo đi săn mồi sẽ khoảng 50 – 60% không trở về đảo mà vào những nhà yến trong đất liền trú ở.

Hiện tổ yến VN vẫn cung chưa đủ cầu tiêu dùng trong nước, mỗi năm các thương lái đã đưa yến Malaysia, Thái Lan và Campuchia về gần 15 tấn (số liệu hải quan khoảng trên 10 tấn, còn lại là nhập không kiểm soát) nhưng tổ yến Việt Nam cũng đã được các nhà kinh doanh đưa bán tại nhiều thị trường như Bắc Mỹ, EU, Úc, Nhật, Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao và Trung Quốc… dưới dạng nguyên tổ làm sạch giao cho thương nhân mang về nước, con số này không ít, cũng gần 2 tấn/năm.

 

Ngành nuôi chim yến ở VN là ngành sản xuất không khói mới … nên gần như chưa được các nhà hoạch định chính sách của nhà nước quan tâm, nhưng đã tự hình thành phát triển và đứng vững.

 

TP Hồ Chí Minh là trung tâm nuôi chim yến lớn nhất cả nước, kế tiếp là Kiên Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu và một số tỉnh miền Trung có số nhà và sản lượng tổ yến thu nhiều.

Thị trường mua bán tổ yến trên thế giới ngày càng sụt giảm nghiêm trọng vì nhiều vùng nuôi chim yến ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan bị chựng lại do nhiều nguyên nhân, trong đó nguồn sản sinh côn trùng tự nhiên làm mồi ăn cho chim yến đã tới hạn bắt đầu đang suy kiệt dần. Nạn cháy rừng hàng năm và tác động El Nino cũng là một nguyên nhân.

Tại các nước này, trước đây từng có nhiều khu nuôi chim yến tập trung rất sung túc, tổng đàn chim yến rất đông, nhưng nay rất thưa thớt như “làng nhà bê tông chết”. Nguyên nhân thất bại là khi xây dựng những làng chim yến không tính toán đúng tốc độ đô thị hóa, resort nghỉ dưỡng và các cơ xưởng đã xóa các vùng cung cấp mồi ăn cho chim yến, nên sau 15 – 20 năm những nơi nuôi chim yến tập trung gần 40% thất bại. Sản lượng tổ yến nuôi của

các nước này đang giảm sút. Nhen nhóm lên niềm hy vọng xây dựng thương hiệu yến xào quốc gia Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới.

 

Tiềm năng

Ở Việt Nam, điều kiện thiên nhiên nằm ven biển, khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, nhiều rừng ngập mặn, rừng phòng hộ, đồng lúa nước, các cây trồng nhiệt đới và cả dãy Trường Sơn nơi có rất nhiều rừng cây bụi nên có sức sản sinh môi trường tự nhiên vô cùng phong phú, dồi dào chủng loại côn trùng nên trong vòng 30 – 50 năm tới tình trạng này vẫn còn giữ nguyên, nguồn côn trùng mồi ăn vẫn đủ thỏa mãn cho tổng đàn chim nuôi vài chục triệu đến trăm triệu con. Ngành nuôi chim yến của VN có thể tiến xa hơn nhiều so với các nước ASEAN như Thái Lan và Malaysia.

Theo tính toán của các nhà điểu học, tỷ lệ tăng dân số cơ học của tổng đàn chim yến VN là 10,4%/năm, đến năm 2020 tổng đàn chim yến VN sẽ là 9,28 triệu con và sản lượng tổ yến sẽ là 72,5 tấn; đến năm 2025 sẽ là 15,585 triệu con và sản lượng tổ 121,5 tấn; đến năm 2030 sẽ là 25,560 triệu con và sản lượng tổ là 200 tấn và đến năm 2035 sẽ là 42 triệu con và sản lượng tổ sẽ là 327 tấn.

Sau năm 2030, sản lượng tổ yến nuôi VN đạt 200 tấn/năm sẽ có 150 tấn tổ yến xuất khẩu trị giá khoảng 300 triệu đô Mỹ/năm và đến năm 2035, sản lượng tổ yến nuôi là 327 tấn, trong đó sẽ có 250 tấn xuất khẩu trị giá khoảng 450 triệu USD và sau năm 2050 việc xuất khẩu đạt 1 tỷ USD tổ yến VN là có thể.

Nghề nuôi chim yến ở các nước ASEAN được các nhà hoạch định kinh tế nhận định là ngành công nghiệp xanh/sạch, không khói… sử dụng một diện tích đất rất khiêm tốn, dùng rất ít công nhân, không tốn kém điện năng, tạo ra nguồn thực phẫm dinh dưỡng bồi bổ sức khỏe có giá trị xuất khẩu ngoại tệ lớn.

Tới năm 2035, để có chỗ ở cho 42 triệu chim yến, VN cần có 700.000m2 sàn nhà yến hữu dụng hay khoảng 9.000 – 10.000 nhà yến, cần khoảng 300 – 400ha đất, sử dụng 13 triệu kW điện/năm. Tạo việc làm cho 20.000 lao động giản đơn chăm sóc nhà yến, 150.000 công lao động xây dựng (xây dựng thêm 5.000 nhà yến) và 120 triệu công lao động chế biến tổ yến mỗi năm, hiệu quả kinh tế dây chuyền rất lớn (Indonesia, mỗi năm sử dụng hơn 500 triệu công lao động chế biến tổ yến xuất khẩu).

Nuôi chim yến không hề khó mà hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Do đó, không có gì lạ khi nghề nuôi chim yến càng ngày càng phát triển. Vì vậy, nuôi yến và phát triển nghề nuôi chim yến – Tại sao không?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *